Số lươt người truy cập:

 
 
Website sản phẩm
 
Giá thuốc - Đâu là giá trị thực? (28/07/2010)

Nhiều khi người bệnh dùng thuốc chỉ với một niềm tin là thuốc đó sẽ giúp thuyên giảm hoặc chữa khỏi bệnh cho mình mà không hiểu rõ những phức tạp để thuốc đó đến được tay mình. Cũng vì không hiểu hết nên có thể có những suy nghĩ, bình luận, so sánh giữa thuốc nọ với thuốc kia. Bài báo này chỉ đề cập đến một vấn đề: Tại sao cùng một thứ thuốc nội mà giá cả lại chênh lệch nhau?      

Công nghệ - Sự đòi hỏi tất yếu

Từ thuở khai sinh vào những năm 50-60 của thế kỷ trước, các xí nghiệp dược phẩm của ta đều được thành lập trên cơ sở tự thiết kế, tự xây dựng. Chỉ riêng Xí nghiệp Dược phẩm TW II là do Liên Xô viện trợ, có hệ thống thiết bị đồng bộ, hoàn chỉnh thời bấy giờ. Do "tự biên, tự diễn" nên các xí nghiệp chỉ tập trung mua sắm các thiết bị sản xuất chủ yếu, cốt là làm ra sản phẩm mà chưa chú ý đầy đủ đến các yêu cầu khác đối với sản phẩm làm ra. Trên thế giới vào thời kỳ này cũng chưa có những qui định nghiêm khắc đối với công nghiệp bào chế thuốc! Từ 3 xí nghiệp dược phẩm Trung ương trong thời chiến, một số xí nghiệp địa phương đã được thành lập để đáp ứng nhu cầu tại chỗ và để đề phòng các xí nghiệp trung ương bị địch đánh phá. Sau ngày giải phóng và thống nhất đất nước, số xí nghiệp dược phẩm ngày một tăng. Đến nay đã có trên 170 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược và đông dược. Điều đáng nói ở đây là trình độ sản xuất thuốc của nhiều xí nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại và ý thức của người sản xuất cũng chưa được nâng cao.

Từ năm 1995, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN và sau đó gia nhập WTO, yêu cầu về hoà nhập với các nước trong khu vực và thế giới tăng lên. Trong lĩnh vực dược phải xem xét lại các thủ tục về xuất nhập khẩu, đăng ký thuốc, các qui định về sản xuất, lưu thông, kiểm nghiệm, bảo quản thuốc. Các doanh nghiệp sản xuất dược trong nước cần phải đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại để có thể hòa nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu dùng thuốc ngày càng cao của con người.

Đối với các cơ sở sản xuất tân dược, thoạt đầu Bộ Y tế quyết định áp dụng GMP-ASEAN (1996). Sau này do yêu cầu mở rộng kinh doanh không chỉ trong khu vực mà ra cả thế giới, nên năm 2004 Bộ lại ban hành quyết định áp dụng tiêu chuẩn GMP theo khuyến cáo của WHO.

GMP (Good Manufacturing Practice) nghĩa là "Thực hành tốt sản xuất". Trong Quyết định số 108/2002/QĐ-TTg ngày 15/8/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2010" đã ghi:" Đầu tư công nghệ hiện đại, đổi mới trang thiết bị và đổi mới quản lý ngành công nghiệp dược, từng bước đáp ứng nguồn nguyên liệu làm thuốc. Đến hết năm 2010, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và kiểm nghiệm dược phẩm đều đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt (Good Practice-GP)". Như vậy, để thực hiện công nghiệp hoá-hiện đại hoá ngành dược, đi đôi với việc phát triển công nghiệp nguyên liệu và tăng số lượng mặt hàng mới còn có nhiệm vụ triển khai các tiêu chuẩn thực hành tốt để đảm bảo và nâng cao chất lượng thuốc.


Thuốc đạt tiêu chuẩn GMP có giá thành cao hơn.

Tại sao lại có sự chênh lệch?

Như trên đã trình bay, do lịch sử để lại, từ nhà xưởng, trang thiết bị đến suy nghĩ và thói quen, nề nếp làm việc của con người, nhiều cơ sở sản xuất thuốc chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại, nên trong giai đoạn quá độ chuyển đổi, thuốc do các doanh nghiệp chưa đạt GMP, nếu đạt các yêu cầu tối thiểu về chất lượng vẫn được phép lưu hành trên thị trường. Vì vậy,  hiện đang tồn tại sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp đạt GMP và doanh nghiệp chưa đạt GMP.

Đối với những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP, các qui trình, qui phạm sản xuất phải chứng minh được khả năng sản xuất ra sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng và được thẩm định. Cơ sở sản xuất phải đảm bảo đủ nguồn lực cần thiết về:

+ Nhân viên: Có đủ số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và đã qua đào tạo về GMP.

+ Nhà xưởng và không gian: có vị trí phù hợp, được thiết kế, xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng sao cho thích hợp với các thao tác sản xuất sẽ diễn ra.

+ Có các máy móc, thiết bị và dịch vụ phù hợp.

+ Nguyên, vật liệu, bao bì đáp ứng tiêu chuẩn.

+ Ghi chép lại các số liệu của từng công đoạn sản xuất. Lập hồ sơ sản phẩm và lưu giữ.

+ Bảo quản và phân phối sản phẩm  sao cho không ảnh hưởng tới chất lượng của thành phẩm làm ra.

+ Có hệ thống thu hồi thuốc.

+ Xác định rõ các khâu thẩm định, trách nhiệm thực hiện thẩm định, lưu giữ báo cáo.

Chỉ tính riêng trang thiết bị: nếu một doanh nghiệp muốn đạt GMP phải cải tạo lại, nâng cấp trang thiết bị hoặc xây mới, tuỳ theo qui mô, số tiền đầu tư có thể từ vài triệu USD đến vài chục triệu USD!  Và tất nhiên khi có sự đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ cao cũng như con người có trình độ hơn thì chất lượng sản phẩm của họ sẽ cao hơn. Và sản phẩm của của những doanh nghiệp đạt GMP tất yếu sẽ cao hơn sản phẩm của những doanh nghiệp chưa đạt GMP. Trong khi đó thì ít người tiêu dùng nhận thấy điều này, họ vẫn chỉ thấy những vỉ thuốc viên, thuốc tiêm của các đơn vị này là giống nhau và so bì, thắc mắc tại sao cùng một sản phẩm mà lại có sự chênh lệch về giá như vậy?

Đối với Nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (Thực hành tốt nhà thuốc) cũng tương tự như vậy. Ở đây nhà thuốc không quyết định về sự hình thành của thuốc, mà chủ yếu là con người: người dược sĩ trước kia chủ yếu tập trung vào việc kinh doanh thuốc thì nay phải tập trung vào việc quản lý sử dụng thuốc; vào việc chăm sóc, hướng tới bệnh nhân. Họ phải có đủ năng lực cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh; giám sát việc sử dụng thuốc của bệnh nhân. Thuốc được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm qui định, có nguồn gốc tin cậy, sắp xếp theo loại, nhóm để tránh nhầm lẫn. Cơ sở hạ tầng của Nhà thuốc cũng phải đạt những tiêu chuẩn, yêu cầu qui định. Do vậy, việc bố trí, phân công trách nhiệm, theo dõi  sản phẩm, quan hệ với người bệnh và bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh... đều được thực hiện đúng theo qui trình, qui phạm. Vì thế giá thuốc tại các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP có thể sẽ nhỉnh hơn giá thuốc của các nhà thuốc chưa đạt tiêu chuẩn GPP cũng là điều tất yếu.

Bỏ tiền để được hưởng một công nghệ cao hơn, một sản phẩm có chất lượng hơn, một dịch vụ tốt và hoàn hảo hơn. Đó cũng là một qui luật tất yếu. Người tiêu dùng có thể ủng hộ doanh nghiệp đạt GMP, Nhà thuốc đạt GPP bằng cách lựa chọn thuốc của doanh nghiệp có tín nhiệm và Nhà thuốc GPP đã tận tình chăm sóc mình bằng những hướng dẫn sử dụng thuốc hữu ích; không ham rẻ mà mua thuốc có nguồn gốc không tin cậy.     

DS.  Nguyễn Xuân Hùng
Từ suckhoedoisong


 
Các tin tức khác
Ho khi giao mùa (07/02/2018)
7 cách bổ sung chất xơ vào chế độ ăn (29/03/2017)
Những lợi ích của nghệ so với dược phẩm khác (29/03/2017)
Dược phẩm và thực phẩm có thể “đá” nhau (04/01/2017)
Chữa bệnh tận gốc rễ (01/01/2017)
Thuốc trị táo bón: Dùng sai có hại (01/01/2017)
Những nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng dưới ở phụ nữ (05/09/2016)
Chắp, lẹo mi mắt - Xác định đúng, điều trị nhanh (05/09/2016)
Dược thiện cho sĩ tử mùa thi (29/06/2016)
5 đồ uống giúp giảm cân nên uống trước khi đi ngủ (29/06/2016)

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Sản phẩm  |  Tin tức  |  Tuyển dụng  |  Sơ đồ web
Lô 10, Đường số 5, KCN VSIP, Bình Dương, Việt Nam. Điện thoại: +84 (650) 3757922 - Fax: +84 (650) 3757921 - Email: info@icapharma.com
Copyright © 2010 ICA® JSC. All rights reserved.