Số lươt người truy cập:

 
 
Website sản phẩm
 
Đừng chủ quan với cúm A/H1N1 (16/03/2011)

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến thời điểm này đã có 30 tỉnh, TP có bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 với 217 bệnh nhân dương tính, trong đó có 7 trường hợp tử vong tại 6 địa phương.

Bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1 gần đây nhất là ông Đ.V.H, 52 tuổi, tại TPHCM. Xuất hiện các triệu chứng sốt cao, nhức mỏi, khó thở, bệnh nhân vào điều trị tại một bệnh viện. Qua kiểm tra, các bác sĩ đã nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 và chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vào ngày 28-2 trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Các bác sĩ đã cho dùng kháng sinh và Tamiflu theo đúng phác đồ điều trị, tuy nhiên tình trạng bệnh diễn biến nặng và bệnh nhân đã tử vong sau một ngày điều trị. Ngoài việc mắc cúm, bệnh nhân vốn là người mắc chứng huyết áp cao.

Nhiều chùm ca bệnh cúm A/H1N1
 
Trong 2 tháng đầu năm 2011, các trường hợp mắc cúm A/H1N1 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2010 (85 trường hợp mắc, 5 trường hợp tử vong). Tỉ lệ bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp với số người mắc bệnh tiếp tục gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt đã xuất hiện những chùm ca bệnh tại cộng đồng. Điển hình là tỉnh Điện Biên từ ngày 14 đến 20-2 tại Trường Dân tộc nội trú huyện Mường Nhé có 91 trường hợp nghi mắc cúm A/H1N1. Kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy 18/19 mẫu dương tính với cúm A/H1N1.
 
Cũng trong thời điểm này, tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã ghi nhận 224 trường hợp là học sinh và giáo viên có triệu chứng của bệnh cúm, qua lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đã phát hiện 7/9 mẫu nhiễm cúm A/H1N1. Gần đây nhất, từ ngày 22-2 đến 9-3, tại Công an tỉnh Bình Phước đã ghi nhận 44 trường hợp nghi mắc cúm A/H1N1. Tất cả đều có triệu chứng sốt, ho, đau họng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy 4 mẫu bệnh phẩm dịch hầu họng gửi về Viện Pasteur TPHCM, tất cả đều dương tính với virus cúm A/H1N1.
 
Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ ngày 17-1 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 114 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện điều trị, trong đó 23 trường hợp là phụ nữ mang thai. Bệnh viện cũng đã xác định có 8 chùm ca bệnh là người thân ở cùng nhà hoặc chăm sóc người nhà bị cúm tại bệnh viện. Tại bệnh viện này, mặc dù bệnh nhân nghi cúm A/H1N1 nhập viện không ồ ạt như thời điểm đầu năm 2011 nhưng tuần qua vẫn rải rác các ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện. Hiện vẫn còn 13 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đang được theo dõi, điều trị.
 
Xem xét lại phác đồ điều trị
 
Theo đánh giá của Bộ Y tế, dịch cúm A/H1N1 vẫn nằm trong tầm kiểm soát của địa phương, tuy nhiên nguy cơ tái bùng phát dịch cúm A/H1N1 rất cao, vì đây là thời điểm thuận lợi cho virus cúm phát triển và phát tán trong cộng đồng, đặc biệt đối với các khu vực dân cư chưa bị cảm nhiễm virus cúm A/H1N1.  
 
TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết qua theo dõi và phân tích mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cúm A/H1N1 tại phòng thí nghiệm cho thấy virus cúm A/H1N1 chưa có sự biến đổi hay kết hợp với virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, bởi các bệnh cúm thông thường cũng có thể đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người đang có bệnh mãn tính, người bị suy giảm sức đề kháng, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Theo ông Trần Thanh Dương, hiện thuốc Tamiflu vẫn hiệu quả trong điều trị cúm A/H1N1 trong vòng 24 giờ đầu.
 
Bộ Y tế đang xem xét lại phác đồ điều trị cúm A/H1N1 sao cho phù hợp với thời điểm hiện nay. Bộ Y tế khuyến cáo những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ nếu ở trong khu vực có người mắc cúm A/H1N1 khi có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
 
Theo NLĐ


 
Các tin tức khác
Ho khi giao mùa (07/02/2018)
7 cách bổ sung chất xơ vào chế độ ăn (29/03/2017)
Những lợi ích của nghệ so với dược phẩm khác (29/03/2017)
Dược phẩm và thực phẩm có thể “đá” nhau (04/01/2017)
Chữa bệnh tận gốc rễ (01/01/2017)
Thuốc trị táo bón: Dùng sai có hại (01/01/2017)
Những nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng dưới ở phụ nữ (05/09/2016)
Chắp, lẹo mi mắt - Xác định đúng, điều trị nhanh (05/09/2016)
Dược thiện cho sĩ tử mùa thi (29/06/2016)
5 đồ uống giúp giảm cân nên uống trước khi đi ngủ (29/06/2016)

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Sản phẩm  |  Tin tức  |  Tuyển dụng  |  Sơ đồ web
Lô 10, Đường số 5, KCN VSIP, Bình Dương, Việt Nam. Điện thoại: +84 (650) 3757922 - Fax: +84 (650) 3757921 - Email: info@icapharma.com
Copyright © 2010 ICA® JSC. All rights reserved.