Số lươt người truy cập:

 
 
Website sản phẩm
 
Bị xe tông nhưng chết vì...sơ cứu! (28/05/2010 )

Sơ cứu tai nạn giao thông rất quan trọng, có thể giúp kéo dài sự sống hoặc gây thêm nguy hiểm cho người bị nạn. Đã có nhiều vụ, tình trạng nạn nhân lẽ ra không quá nghiêm trọng nhưng do các bước sơ cứu đầu tiên thực hiện không đúng và không kịp thời đã dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Những kiểu cứu thành hại

Khi xảy ra tai nạn giao thông, sơ cứu tại chỗ rất quan trọng, nếu làm tốt có thể giành lại mạng sống cho nạn nhân từ tay thần chết, nhưng nếu để xảy ra sai sót có thể làm tình trạng vết thương nặng lên, thậm chí gây ra liệt toàn thân hoặc tử vong.
 
Tâm lý chung của nhiều người là sợ máu. Vì vậy khi thấy nạn nhân chảy nhiều máu, họ không dám cầm máu mà cứ để như vậy đưa thẳng vào bệnh viện. Nhiều người chỉ bị tai nạn ở mức độ trung bình nhưng do đi đường xa, mất nhiều máu nên chết trước khi nhập viện.
 

Sơ cứu đúng cách, kịp thời sẽ giúp quá trình điều trị tiếp theo hiệu quả hơn (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Thế Anh

Một sai lầm phổ biến khác là không cố định xương cho nạn nhân bị gãy xương trước khi đưa đi cấp cứu mà cứ để vậy đưa lên xe gắn máy chở tới bệnh viện.
 
Nguy hiểm nhất là với những tai nạn có chấn thương cột sống cổ, cách sơ cứu này có thể làm nạn nhân bị chèn ép tuỷ, dẫn đến suy hô hấp, ngưng thở hoặc nếu sống sót thì bị liệt suốt đời.
 
Với trường hợp bị chấn thương sọ não, bệnh nhân bị mất tri giác, lẽ ra cần phải tranh thủ khoảng thời gian vàng trong cấp cứu, chuyển tới bệnh viện càng sớm càng tốt nhưng nhiều người lại chọn cách xoa dầu, xoa cao hoặc cạo gió để hy vọng nạn nhân tỉnh dậy, làm chậm quá trình điều trị.
 
Sau chấn thương sọ não có thể nạn nhân xảy ra động kinh, có người không biết đã dùng nước hay chanh nặn vào miệng, khiến nạn nhân bị sặc, ngộp thở, dễ chết.
 
Sơ cứu phải tuỳ vết thương
 
Mức độ nhẹ: nạn nhân còn tỉnh táo, không chảy máu, có thể đứng dậy. Cho nạn nhân nằm nghỉ để theo dõi dấu hiệu sinh tồn, bắt mạch, đo huyết áp, theo dõi nhịp thở.
 
Mức độ trung bình: nạn nhân bị các tổn thương chi như gãy xương, tay, chân, rách da chảy máu tại chỗ. Nếu gãy chi cần phải cố định chi gãy. Chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, chi dưới phải nẹp rồi mới đưa đi cấp cứu. Bị chảy máu thì cầm máu tại chỗ (lấy một cục bông đè mạnh vào vết thương). Khi di chuyển nạn nhân, chú ý nhẹ nhàng.
 
Trường hợp rách ổ bụng, ruột thòi ra, đừng cố gắng nhét ruột trở lại bụng. Cần lấy tấm băng, gạc lớn, mềm, sạch quấn ngang bụng tạm thời để cố định chỗ bị thương. Sau đó đặt bệnh nhân lên cáng chuyển đến bệnh viện.
 
Nếu bị vật nhọn đâm, nhất là ở ngực, bụng, tuyệt đối không được rút ra, vì lúc này vật nhọn đó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, bệnh nhân mất máu nhiều, có thể bị chết. Để bệnh nhân ở tư thế dễ chịu nhất và chuyển ngay đến bệnh viện.
 
Mức độ nặng: nạn nhân rơi vào tình trạng hôn mê. Cần cho đầu đặt nghiêng. Móc hết đờm dãi, đất cát, dị vật ở mũi, miệng. Nếu bị tụt lưỡi có thể dùng tay kéo lưỡi tạm thời ra ngoài.
 
Trong trường hợp này, quan trọng nhất là đường thở. Nếu nạn nhân ngưng thở trong vòng ba phút sẽ làm chết não và quá năm phút có thể chết tim. Vì vậy trước hết phải thông đường thở (hà hơi thổi ngạt, hồi sức...).
 
Xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết. Lưu ý, cần hai đến ba người nhấc nạn nhân lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.
 
Tuyệt đối không đặt nạn nhân nằm ngửa, không lấy bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ. Không di chuyển bằng xe đạp, xe gắn máy.
 
Cấp cứu trước 12 tiếng: thời gian vàng
 
Theo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học về an toàn giao thông của ban An toàn giao thông TP.HCM phối hợp cùng bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện, với các nạn nhân bị tai nạn giao thông có chỉ định can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân có thời gian vàng (từ lúc xảy ra tai nạn đến lúc được can thiệp của nhân viên y tế) nhỏ hơn hoặc bằng 12 giờ thì có cơ hội sống cao gần 2,6 lần so với các nạn nhân cấp cứu trễ.
 
Nghiên cứu cũng đề cập tại TP.HCM, phương tiện vận chuyển từ hiện trường đến Chợ Rẫy đa phần là xe gắn máy. Điều này cho thấy đã xử trí tai nạn nhanh nhưng xe máy là phương tiện vận chuyển không an toàn cho những bệnh nhân bị tổn thương vùng cột sống, nhất là cột sống cổ. Đã có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do chở đi bị xóc, chết trước khi nhập viện.

Theo PGS.TS.BS Lê Tuấn Hải (Sài Gòn Tiếp Thị)


 
Các tin tức khác
Ho khi giao mùa (07/02/2018)
7 cách bổ sung chất xơ vào chế độ ăn (29/03/2017)
Những lợi ích của nghệ so với dược phẩm khác (29/03/2017)
Dược phẩm và thực phẩm có thể “đá” nhau (04/01/2017)
Chữa bệnh tận gốc rễ (01/01/2017)
Thuốc trị táo bón: Dùng sai có hại (01/01/2017)
Những nguyên nhân hàng đầu gây đau bụng dưới ở phụ nữ (05/09/2016)
Chắp, lẹo mi mắt - Xác định đúng, điều trị nhanh (05/09/2016)
Dược thiện cho sĩ tử mùa thi (29/06/2016)
5 đồ uống giúp giảm cân nên uống trước khi đi ngủ (29/06/2016)

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Sản phẩm  |  Tin tức  |  Tuyển dụng  |  Sơ đồ web
Lô 10, Đường số 5, KCN VSIP, Bình Dương, Việt Nam. Điện thoại: +84 (650) 3757922 - Fax: +84 (650) 3757921 - Email: info@icapharma.com
Copyright © 2010 ICA® JSC. All rights reserved.