Khoảng cách quá lớn về trình độ bác sỹ, chất lượng dịch vụ giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới đã khiến bệnh nhân ồ ạt đổ về bệnh viện tuyến trên, khiến những nơi này trở nên quá tải trầm trọng.
Quá tải 200%
Năm 2007, nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách Y tế cho thấy tình trạng quá tải xảy ra ở tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương. Tại các bệnh viện chuyên ngành (Sản, Nhi) thì tình trạng quá tải càng trầm trọng.
Nghiên cứu được thực hiện tại các bệnh viện Từ Dũ, Chợ Rẫy, Phụ Sản Trung ương, Bạch Mai, Nhi Trung ương - các bệnh viện lớn nhất cả nước và tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy: công suất sử dụng giường bệnh luôn từ 165% đến 200%; số giường bệnh thực kê vượt so với số giường chỉ tiêu đến 200%.
Số ngày sử dụng thực tế trung bình 1 giường bệnh/năm dao động từ 390 - 774 ngày/giường bệnh/năm, cao hơn mức bình thường (bình thường là 280 ngày/giường/năm), khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng. Tình trạng quá tải xảy ra ở tất cả khu vực điều trị nội trú và khám bệnh ngoại trú.
Tại bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, nơi có 2 viện trực thuộc, 7 trung tâm, 22 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng nhưng không thể tránh khỏi tình trạng trên. Năm 2009, quá tải xảy ra ở tất cả các khoa. 6 tháng đầu năm 2009, tỷ lệ quá tải là 185,9%. Đến 6 tháng đầu năm 2010, tỷ lệ này tuy đã giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức cao: 147,7%.
Đây là kết quả có được sau rất nhiều nỗ lực của bệnh viện: Nâng cao năng lực hệ thống bệnh viện vệ tinh, khám chữa bệnh vào thứ 7, thực hiện Đề án 1816, tăng chất lượng khám và điều trị để giảm số ngày điều trị (6 tháng đầu nằm 2009, số ngày điều trị trung bình/bệnh nhân là 11,86 ngày. Đến hết 6 tháng đầu năm 2010, số ngày điều trị trung bình/bệnh nhân giảm xuống còn 11,68 ngày).
Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, theo thông tin từ lãnh đạo bệnh viện thì tình trạng quá tải xảy ra ở tất cả các khoa phòng. Công suất sử dụng giường bệnh tại bệnh viện luôn dao động ở mức 150-170% (trong đó có khoảng 30% bệnh nhân BHYT).
Theo thống kê của bệnh viện (tính đến hết năm 2009) thì trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện có thêm khoảng 15% bệnh nhân mới. Kết hợp với tình trạng quá tải sẵn có từ trước, số bệnh nhân tăng thêm này sẽ là một thách thức lớn của bệnh viện trong quá trình chăm sóc và đảm bảo sức khỏe, dịch vụ cho người bệnh.
Để giảm tải, ngoài các biện pháp chung của Bộ Y tế, do đặc thù của chuyên ngành sản khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng mở thêm các hình thức khác như khám thai tại nhà cho sản phụ để các khu vực khác trong bệnh viện bớt đông; hoặc trả kết quả ngoài giờ, khám ngoài giờ, ...
Tuy nhiên, những cách này chưa mang lại những chuyển biến rõ rệt. Bởi mấu chốt vấn đề quá tải là chênh lệch về trình độ giữa tuyến trên và tuyến dưới. Chừng nào trình độ tuyến dưới chưa được nâng lên cao hơn thì khó giải quyết bài toán quá tải.
Mở rộng đến đâu là quá tải đến đó
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, số giường bệnh mỗi năm một tăng thêm, thời gian làm việc kéo dài hơn, các bệnh viện vệ tinh (ở Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa...) được đầu tư hàng năm theo phương châm “thiếu gì bổ sung nấy”. Nhưng theo ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện thì cứ bổ sung, cứ mở rộng đến đâu là chỗ đó lại hoạt động hết công suất y như chỗ cũ. Đặc biệt là ở những khoa như: Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật tiết niệu, Thần kinh, Khoa Nhi (vào mùa hè)...
Bệnh viện Việt - Đức tăng thêm thành 25 bàn mổ, tăng giường hồi tỉnh, tăng giường bệnh, làm ngoài giờ để tận dụng hết công suất bàn mổ để sau khi điều trị tích cực hoặc phẫu thuật, bệnh nhân có thể chuyển về những bệnh viện này điều trị tiếp tục nhằm giảm tải tuyến trên. Thế nhưng cứ tăng giường, tăng giờ làm thì không những bệnh nhân không giảm mà ngược lại còn ùn ùn kéo về khiến bệnh viện vốn đã quá tải lại càng quá tải hơn.
Lý giải điều này, lãnh đạo các bệnh viện cho rằng mỗi khi nỗ lực giảm tải để nâng cao chất lượng được phần nào thì không lâu ngay sau đó, bệnh nhân lại càng thấy bệnh viện tuyến trên trở nên hấp dẫn và tiếp tục kéo về. Thậm chí, bệnh nhân BHYT khi đổ về tuyến Trung ương rồi, nếu có điều kiện cũng sẵn sàng bỏ tiền khám dịch vụ để đỡ phải chờ đợi và thụ hưởng theo ý muốn của mình.
Vì vậy, song song với nỗ lực giảm tải của tuyến trên nhưng nếu tuyến dưới vẫn "giậm chân tại chỗ" thì tình trạng quá tải không những không được cải thiện mà thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn.
Hiện nay, ngành Y tế đang rất kỳ vọng vào Đề án 1816 - Cử cán bộ luân chuyển từ tuyến trên về tuyến dưới để chuyển giao kỹ thuật, đào tạo và nâng cao tay nghề cho bác sỹ tuyến dưới, từ đó có thể thu hút bệnh nhân nhằm giảm tỷ lệ chuyển tuyến và vượt tuyến.Đề án này cũng đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Theo VietNamNet