(13/10/09) WHO đưa ra những con số đáng báo động với 1/4 dược phẩm được bán trên thị trường các nước đang phát triển là thuốc giả. Năm 2006 có 300 nạn nhân tử vong tại Panama do sử dụng thuốc giả; 2008 gần 100 trẻ em ở Nigeria tử vong sau khi uống thuốc ho, thuốc Paracetamol giả.
Thế giới cần chung tay chống thuốc giả, cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac phát biểu như vậy tại cuộc gặp với nhiều nguyên thủ quốc gia châu Phi ở Benin vào ngày 12-10 khi dẫn chứng số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về thuốc giả đang lưu hành trên thế giới.
WHO đă đưa ra những con số đáng báo động với 1/4 dược phẩm được bán trên thị trường các nước đang phát triển là thuốc giả và 200.000 ca tử vong mỗi năm có thể tránh được nếu dược phẩm được chỉ định chống các căn bệnh như sốt rét là thuốc đúng tiêu chuẩn và có tính năng chữa trị bệnh thật sự. Tại châu Phi, 50% thuốc kháng sinh và 50% thuốc điều trị sốt rét là thuốc giả. WHO nhận định hệ thống buôn lậu thuốc giả đang chiếm 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh số khoảng 45 tỉ euro.
Trong khi đó, nhiều chuyên viên cho biết các nhóm buôn lậu thuốc giả xuyên quốc gia đang ngày càng mở rộng hoạt động đến lĩnh vực chế tạo và tiêu thụ thuốc giả đầy béo bở, và sử dụng khoản lợi nhuận thu được vào các hoạt động tội ác khác.
Cựu tổng thống Pháp cho rằng chính quyền các nước cần sớm thực thi nghiêm ngặt những văn bản pháp lư và những quy định pháp luật liên quan đến việc chế tạo và tiêu thụ thuốc giả. Ông Jacques Chirac đề xuất mở một cuộc hội thảo thế giới vào năm 2010 tại Geneva (Thụy Sĩ) với chủ đề thế giới chống thuốc giả và đây sẽ là chiến dịch chống thuốc giả có quy mô thế giới đầu tiên từ trước đến nay. Tham gia cuộc gặp với cựu tổng thống Pháp có tổng thống các nước châu Phi như Benin, Togo, Senegal, Burkina Faso, CH Congo, Niger, CH Trung Phi.
ĐỨC TRƯỜNG (Theo Xinhua, TV5, Cyberpresse)
Từ Tuoitre Online